Hành trình Phát triển của giáo viên trong dòng chảy của Đổi mới sáng tạo giáo dục.

03/11/2022 - 1:16

TỰ HỌC – “ĐỒNG HỌC” và HÀNH TRÌNH PHÁT TRIỂN TRONG DÒNG CHẢY CỦA ĐỔI MỚI SÁNG TẠO GIÁO DỤC.
– Chia sẻ từ cô Phạm Thị Hoài Thu – Trường PTLC Oympia, Hà Nội – 
Trong bài phát biểu tại Lễ phát động Diễn đàn Đổi mới sáng tạo giáo dục trên nền tảng CNTT 2022-2023 tại Đà Nẵng vừa qua, PSG.TS.Nguyễn Văn Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chuyên môn của Diễn đàn, đã nhắc tới một số những vấn đề quan trọng của Đổi mới giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó:
• Tự học/ Tự giáo dục còn quyết định và quan trọng hơn cả sự giáo dục nhận được từ gia đình, nhà trường và xã hội. (Mô hình Tứ diện giáo dục – GS Trần Văn Nhung)
• Robot có thể viết được các bài luận tiếng Anh, nhưng nó không thực sự hiểu được bài luận đó. (GS Noriko Arai, chủ nhiệm dự án Robot Todai với mục tiêu đào tạo Robot thi đỗ đại học Tokyo trong 2 năm, và tại kỳ thi vào đại học Tokyo năm 2016, Robot Todai đã nằm trong top 20% điểm cao nhất) .Nếu giáo viên chúng ta chỉ dạy để học sinh ghi nhớ thông tin thì chắc chắn học sinh sẽ thua xa trí tuệ nhân tạo, và chúng ta, trong vai trò nhà giáo dục, sẽ bị robot thay thế. Vậy, chúng ta cùng học sinh phải tạo ra và hiểu “ý nghĩa của thông tin” bằng cách tư duy phê phán, sáng tạo, giải quyết vấn đề,….
• Học tập thích ứng: Nhà trường, nhà giáo cung cấp những khóa học sát nhất với năng lực, hành vi, thói quen của người học (dựa trên phân tích những dữ liệu tốt về người học)
• Giáo dục thông minh (Smart Education) bao gồm các thành tố:
o Tự định hướng (self-directed)
o Hứng thú học tập (motivated)
o Thích ứng với nhu cầu cá nhân (adaptive)
o Giàu tài nguyên (resource enriched)
o Tích hợp với công nghệ (technology embeded)
• Các nhóm kỹ năng cần cung cấp cho người học
o Kỹ năng học tập: tư duy phản biện, sáng tạo, giao tiếp, cộng tác
o Trình độ học vấn: thông tin, truyền thông, công nghệ
o Kỹ năng sống: linh hoạt, lãnh đạo, khởi nghiệp, hiệu quả (công việc), hội nhập
• Năng lực của giáo viên: Làm việc với người khác, làm việc với công nghệ, làm việc với xã hội
• 3 đặc điểm của nhà giáo:
o Nhà giáo dục: là người truyền cảm hứng chứ không phải những “thợ dạy”.
Câu chuyện về cậu bé vẽ cầu vồng. Khi ở tuổi mẫu giáo, cậu bé được giáo viên yêu cầu vẽ cầu vồng và cậu vẽ một chiếc cầu vồng không hề giống thực tế. Cô giáo phê: Tốt. Khi cậu bé vào lớp 1, cậu lại được yêu cầu vẽ cầu vồng, và cậu vẽ một chiếc cầu vồng giống với thực tế. Cô giáo phê: Rất tốt. Người bố băn khoăn về cách dạy của giáo viên, vì lời phê của cô có thể làm con mất định hướng, không biết đâu mới là đúng, là tốt. Khi nhận được ý kiến của người bố cô giáo trả lời: “Chiếc cầu vồng thứ nhất là chiếc cầu vồng của cháu nó. Như vậy là tốt. Còn chiếc cầu vồng thứ hai là cháu đã biết sai và sửa. Vì vậy là rất tốt.
o Hiểu về công nghệ: hiểu và làm chủ công nghệ, sử dụng công nghệ một cách thông minh.
o Dạy học tích hợp: tri thức nền tảng tốt, cập nhật thường xuyên và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
 
Những điều trên cho chúng ta thấy quá trình tự học của người giáo viên – quá trình “đồng học” và phát triển liên tục của cộng đồng giáo viên là vô cùng quan trọng, và là trước hết nếu chúng ta muốn làm giáo dục, đặc biệt nếu chúng ta muốn đổi mới giáo dục!
Mình trích lại những nội dung trong bài nói của thầy Hiền, một phần là vì mình thực sự xúc động và thấm thía với các nội dung cũng như cách nói chuyện của thầy, mặt khác mình càng có niềm tin vào hành trình mình và những đồng nghiệp tại cộng đồng nhỏ The Olympia Schools , cộng đồng lớn Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam, và cộng đồng siêu lớn của những Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft và những trường học điển hình trên toàn cầu là đúng hướng, là cần thiết và đóng góp tích cực cho đổi mới giáo dục từ cấp độ từng đứa trẻ tới những cấp độ cao hơn.
Ngày 29, 30/10/2022, trên hành trình Tự học – Đồng học – Phát triển – Đổi mới sáng tạo đó, chúng mình đã có cơ hội được hội ngộ với gần 500 anh chị em đồng nghiệp trên toàn quốc, hơn 200 Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft năm 2022-2023, 12 trường học điển hình Microsoft tại chương trình HỘI NGỘ – KẾT NỐI – LAN TỎA tại ngôi trường xinh đẹp và hiếu khách Sky-line Hill và Lễ phát động Diễn đàn Đổi mới sáng tạo giáo dục trên nền tảng công nghệ thông tin 2022-2023 tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Cá nhân mình cảm thấy thực sự ấm áp – yêu thương – hạnh phúc khi được gặp gỡ nhiều anh chị em đã quen nhau qua màn hình Teams, đã có nhau trong Tim, nhưng ở đây mới là lần đầu tiên được gặp nhau, được tay bắt mặt mừng, được trao những cái ôm ấm áp. Đồng thời, sau sự kiện mình lại có thêm những người bạn mới, những mối nhân duyên kéo dài để hành trình tự học – đồng học – phát triển – đổi mới sáng tạo sẽ được tiếp diễn và hiệu quả hơn nữa!
Cũng tại đây, việc được lắng nghe những câu chuyện, quan sát những thành quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển đổi số của từng nhà trường, từng người giáo viên cho mình và đồng nghiệp thêm nhiều những kinh nghiệm quý báu cũng như động lực để đi tới!
Mong rằng chúng ta sẽ có một hành trình E2 với thật nhiều học hỏi – chia sẻ – lan tỏa – hiệu quả, và chắc chắn chúng ta sẽ còn gặp lại nhau!
Cuối cùng, xin được nhắc lại lời kết trong bài phát biểu của thầy Hiền: TRẺ EM CÓ THỂ KHÔNG NHỚ NHỮNG GÌ BẠN ĐÃ DẠY NHƯNG SẼ NHỚ BẠN LÀ AI – Jim Henson
Mong chúc tất cả những nhà giáo chúng ta nhìn rõ chính mình – hiểu rõ chính mình – sống là mình – cống hiến hết mình và trở thành một phần tích cực trong hành trình trưởng thành của từng học sinh của chúng ta!
Biết ơn và thương mến,
P/S: Mời các thầy cô theo dõi các thông tin cập nhật của Lễ Phát động Diễn đàn E2 Việt Nam tại đây https://vief.edu.vn/cap-nhat-le-phat-dong-e2-viet-2022-2023/
Bài viết gốc tại đây.